VẬN ĐỘNG CHO TRẺ NHỎ

Các nghiên cứu khoa học những năm gần đây đã mang đến những thông tin bổ ích mà hầu hết các bậc cha mẹ hiện rất quan tâm, đó chính là Giáo dục đầu đời, là những trải nghiệm tích cực đầu đời tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ về sau. Về bản chất, “một môi trường năng động sẽ tạo nên một bộ não năng động”, và nhân tố chính của quá trình này chính là các hoạt động thể chất. Bên cạnh việc hỗ trợ cho những yêu cầu của giáo dục đầu đời, khoa học hiện nay còn cung cấp một sự hiểu biết tốt hơn về các giai đoạn quan trọng hay còn gọi là “cửa sổ của cơ hội”. Những giai đoạn này giúp chúng ta xác định được khi nào thì những trải nghiệm tích cực sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho quá trình phát triển của bé.  Bài viết này mang đến cái nhìn tổng quát hơn từ các nghiên cứu khoa học về sự phát triển kĩ năng vận động và tối ưu hóa sự phát triển của não bộ cho bé yêu.

Các nhà khoa học đã tin rằng để đạt đến được sự chính xác của một bộ não trưởng thành, thì những kích thích về vận động và các trải nghiệm của giác quan trong những năm đầu đời là hoàn toàn cần thiết (theo Greenough & Black, 1992; Shatz, 1992). Các trải nghiệm của trẻ xuất hiện và tạo ảnh hưởng bằng cách liên kết giữa các tế bào thần kinh. Những liên kết nào không được tạo ra từ các hoạt động, hay còn gọi là những liên kết yếu, sẽ bị đào thải dần, tương tự như khi ta cắt tỉa những nhánh chết hay yếu của cây cối vậy. Nếu các tế bào thần kinh được sử dụng đúng lúc, chúng sẽ được tích hợp vào các mạch điện của não bộ, từ đó kích thích sự phát triển vượt bậc cho não bộ. 

Đối với các kĩ năng vận động cơ bản, cánh cửa để đến với cơ hội sẽ xuất hiện từ trước khi sinh cho đến năm tuổi. Hai năm đầu đời là thời kỳ nền tảng khi các thần kinh vận động chính liên kết với tiểu não nhằm kiểm soát tư thế và khả năng phối hợp, sẽ được rèn luyện và phát triển.  Đây cũng chính là giai đoạn mà trẻ sẽ bắt đầu thu thập được những trải nghiệm quý giá về thế giới xung quanh khi bản thân đang “di chuyển” để khám phá. Một lần nữa, các hoạt động thể chất được xem như là một yếu tốt quyết định then chốt trong sự phát triển ban đầu của não bộ, chứ không phải chỉ với điều khiển vận động thôi.

Những kĩ năng vận động sẽ luôn nâng cao đời sống của chúng ta ở mọi lứa tuổi, và một quan điểm tích cực về xây dựng các hoạt động thể chất theo thói quen sẽ tạo dựng một nền tảng cho một cuộc sống khỏe mạnh.  Dưới đây là các ý tưởng vận động giúp phát huy hiệu quả trong việc sớm phát triển trí não đã được các nhà giáo dục đầu đời nghiên cứu và khuyên phụ huynh nên áp dụng:

  • Tạo ra nhiều hoạt động vận động với giác quan, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến thị giác. 
  • Phối hợp các hoạt động cơ bản liên quan đến việc kiểm soát tư thế và các hoạt động di chuyểnnhư bò, trườn, lăn người, và nhảy. Các kỹ năng cơ bản này kích thích các hệ thống mạch máu não tạo ra nguồn năng lượng nhằm tăng cường lượng máu lên não và thúc đẩy sự liên kết tế bào thần kinh của bé.  Khi sự liên kết này càng tăng cường thì sự phát triển toàn diện của trẻ càng vượt bậc.
  • Kết hợp các hoạt động với âm nhạc.  Sự kết hợp giữa âm nhạc và các vận động sẽ tạo nên một môi trường khám phá tuyệt vời cho bé.

Dựa trên những ý tưởng của các nhà nghiên cứu, chúng ta có thể tạo ra những hoạt động cụ thể nhằm tối ưu hóa trí não và phát triển khả năng vận động như sau:

Với bé sơ sinh

Treo những đồ chơi an toàn hoặc thú nhồi bông có nhiều màu sắc trên nôi để bé có thể với tay tới, hoặc dùng chân chạm vào, cũng như tạo cơ hội cho bé chơi với các hình khối lớn, đóng và mở các hộp giấy có kích cỡ khác nhau, tiếp xúc với nhiều loại vật liệu (giấy, vải, nhựa…) sẽ kích thích sự kết hợp vận động với giác quan một cách tốt nhất.

Với bé ở tuối chập chững/tập đi

Việc tiếp xúc với các đồ chơi đòi hỏi nhiều thao tác vận động khác nhau như ném, bắt, đá, lăn các loại đồ chơi có kích cỡ và hình dáng khác nhau, chồng chất các hình khối, và các trò chơi ghép hình..v..v.. giúp bé khám phá và hoàn thiện các kỹ năng vận động.  Khuyến khích bé vẽ hay nguêch ngoạc trên các loại giấy, vải, hoặc vật liệu khác nhau cũng rất quan trọng cho sự phát triển não bộ ở bé.

Với bé mẫu giáo

Đa dạng hóa các hoạt động kết hơp với thị giác như chuyền đồ chơi qua cho bạn, đá banh vào lưới, hoặc xếp các hình khối khác nhau vào đúng vị trí sẽ tăng sự kết nối các tế bào thần kinh cho bé.  Ở tuổi này, bé cũng cần tham gia vào các vận động thể dục như nhảy theo nhạc, đạp xe, nhảy dây, hoặc bơi lội…nhằm giúp bé có thể lực và sức khỏe tốt để tạo ra tinh thần sảng khoái trong khám phá  và học hỏi thế giới xung quanh.

Tóm lại, qua các công trình nghiên cứu của các nhà giáo dục đầu đời, sự phối hợp trong các vận động là một công cụ học hỏi cần thiết cho sự phát triển não bộ ở bé.  Việc kết hợp sự vận động cùng các giác quan kích thích sự phát triển cửa sổ cơ hội, từ đó hướng đến sự phát triển toàn diện cho bé như sự phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển thể chất, và phát triển tình cảm xã hội.

Nguồn : Carl Gabbard, Ed.D., và Luis Rodrigues. www.earlychildhoodnews.com

Dịch bởi: METI - Trung tâm Tư vấn và Đào tạo Montessori Việt Nam (meti.vn)

Mọi trích dẫn xin vui lòng ghi rõ nguồn.